Dự án BMGF VN: Gương mặt mới của thư viện xã
Kể từ khi tham gia vào dự án BMGF-VN, các thư viện xã của 28 tỉnh, thành trên cả nước đã có một diện mạo hoàn toàn mới khiến cho người dân tìm đến ngày càng đông.
Kể từ khi triển khai, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam ” (BMGF-VN) do Quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân tại các địa phương. Hiệu quả của dự án còn được nhìn nhận một cách rõ nét khi góp phần hoàn thiện hệ thống thư viện ở cấp xã - một trong những nhiệm vụ đầy khó khăn mà ngành văn hóa đang nỗ lực thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Đến nay, dự án BMGF-VN đã được triển khai tại 28 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh (bước 1); Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Đồng Tháp (bước 2). Theo đó, đã có hàng trăm điểm thư viện xã với hàng nghìn bộ máy tính được lắp đặt và nối mạng Internet. Ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án BMGF-VN cho biết, chính việc triển khai xuống cấp xã, nhất là tại các xã vùng sâu vùng xa đã làm nên sự khác biệt của dự án tại Việt Nam so với các quốc gia khác đang cùng triển khai chương trình Thư viện toàn cầu do Quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ (phần lớn các quốc gia khác, dự án thường chỉ được triển khai đến các thư viện tương đương với cấp huyện của Việt Nam).
Thực tế cho thấy trước khi tiếp nhận dự án BMGF-VN, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng ở cấp xã của Việt Nam còn khá nhiều bất cập do cơ sở vật chất nghèo nàn, dịch vụ cung cấp chưa phong phú, đa dạng, vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân ở địa phương còn hạn chế. Các thư viện mở ra nhưng chưa thu hút được độc giả. Thậm chí có thư viện hầu như rất ít người đến đọc.
Tuy nhiên, từ khi có dự án BMGF-VN, việc lắp đặt máy tính và kết nối Internet đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các điểm thư viện cấp xã. Được biết trong khuôn khổ dự án, mỗi thư viện công cộng cấp xã được trang bị 5 máy tính có kết nối mạng Internet, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, sử dụng các dịch vụ liên quan đến internet của người dân.
Để có thể tiếp nhận số trang thiết bị này, các thư viện cấp xã đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về cơ sở hạ tầng. Trước yêu cầu đó, các địa phương đã nhanh chóng bố trí nguồn vốn đối ứng để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thư viện công cộng, tạo điều kiện cho việc lắp đặt và vận hành hệ thống máy tính và Internet, đồng thời bổ sung số lượng sách, báo phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân. Thực tế cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống hàng trăm thư viện cấp xã với cơ sở vật chất hiện đại đã được hình thành và đưa vào phục vụ người dân. Đây là một kết quả đáng ghi nhận nếu biết rằng, trong suốt những năm qua, việc xây dựng hệ thống thư viện ở cấp xã, nhất là các xã vùng sâu vùng xa là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức với ngành văn hóa.
Nhìn lại sau hơn 1 năm triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện thuộc Bộ VHTT&DL đánh giá, từ khi tham gia dự án BMGF-VN, hệ thống thư viện công cộng tuyến xã đã có rất nhiều thay đổi. Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cơ quan có liên quan, các điểm thư viện xã không chỉ dừng lại ở phòng ốc khang trang, sáng sủa, mà còn có thêm trang thiết bị hiện đại với những bộ máy tính cấu hình tốt, kết nối internet tốc độ cao. Nhờ đó nhiều dịch vụ mới được mở ra ngày càng đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu hướng hiện nay. Nhờ có dự án, công tác đào tạo đã được quan tâm đúng mức, góp phần nâng cao khả năng quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ thư viện xã. Sau khi tham gia các khóa đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ dự án, 100% nhân viên tại các điểm thư viện xã có thể hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, truy nhập Internet và cách tìm kiếm thông tin hữu ích.
Không chỉ được hướng dẫn miễn phí, tại các thư viện xã người dân địa phương được miễn phí truy nhập Internet. Theo nhiều người dân địa phương thì đây là một ưu đãi đặc biệt đối với họ. Chị Hà Thị Nhung, người dân xã Xuân Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa thì với người dân nghèo miền núi, đây là cơ hội quý giá để được tiếp cận với công nghệ thông tin. "Việc mua sắm bộ máy tính với nhiều gia đình chúng tôi là điều không thể. Thu nhập của đa số người dân nơi đây còn rất thấp, mới chỉ đủ ăn. Chính vì vậy khi biết các điểm thư viện có nhiều máy tính, cho sử dụng máy tính miễn phí chúng tôi đã rủ nhau đến rất đông. Không chỉ tìm kiếm thông tin, các điểm của dự án còn là nơi chúng tôi có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh", chị Nhung nói.
Thực tế cho thấy, người dân đã và đang được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, từ đó cải thiện được cuộc sống của bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội. Và đó chính là đóng góp quan trọng nhất của dự án BMGF-VN trong việc nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam nói chung và trong quá trình phát triển hệ thống thư viện tại Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020 nói riêng. Mục tiêu lâu dài là đưa hệ thống thư viện công cộng trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, thân thiện, bình đẳng, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân ở địa phương.
Hồng Dương
THEO ICTNEWS
|
0 nhận xét: