Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp người lính vì dân, vị tướng của hòa bình”, là cuốn sách rất quí giá, giới thiệu đến bạn những bài viết, bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các thời kỳ và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó bạn đọc phần nào thấy được thiên tài quân sự của Đại tướng cũng như thấy được tấm lòng đau đáu của Ông với sự phát triển của đất nước.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh nhiều vị anh hùng, tướng lĩnh tài ba, xuất chúng mà tên tuổi còn lưu danh mãi trong lịch sử. Một trong những số đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng tên tuổi không chỉ vang lừng ở Việt Nam mà danh tiếng đã vang khắp năm châu. Ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã không ngừng nỗ lực tự học, tu dưỡng, phấn đấu trở thành một Đại tướng của nhân dân, người anh cả của quân đội cách mạng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào đã sinh ra một Người Con như thế trong một thời đại vẻ vang nhất của dân tộc: Thời đại Hồ Chí minh.
Với tấm lòng tôn kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp Thư viện tỉnh Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm: “Võ Nguyên Giáp người lính vì dân, vị tướng của hòa bình”, do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2009. Sách dày 513 trang, in trên khổ giấy 18 x 27cm. Nội dung sách gồm 4 phần:
Phần I - Con người sự nghiệp và những đánh giá:
Mở ngay trang đầu của sách bạn đọc sễ được tìm hiểu phần: Khái quát những nét tiểu sử chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp đến là Sắc lệnh số 110-SL, ngày 20-1-1948 phong hàm Đại tướng do Chủ tịch Chính phủ - Hồ Chí Minh ký; Các bài viết của Bác Hồ, của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, của các vị tướng, Thủ tướng, Nhà sử học trong nước và nước ngoài,… Tất cả các bài viết thể hiện rõ sự ngưỡng mộ khi nêu lên tài đức vẹn toàn của Ông. Ngoài ra, ở phần này còn có 1 chân dung của Đại tướng và 9 hình ảnh của Ông trong các công việc: Thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân 22-12-1944, ảnh Ông cùng với Bác Hồ quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ; Ông cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghiên cứu bản đồ tác chiến năm 1967,….
Phần II - Những bài viết về quân sự
Giới thiệu đến bạn đọc 14 bài viết về quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến; huấn luyện về cuộc vận động rèn luyện cán bộ chấn chỉnh quân đội; Ba giai đoạn chiến lược; Một nhiệm vụ chiến lược gấp rút: Phát triển du kích chiến tranh đến cao độ; Chiến thuật chống càn quét; kiên quyết tiêu diệt Đông Khê giành thắng lợi đầu, để mở màn cho chiến dịch biên giới; Báo cáo tổng kết của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đọc tại Hội nghị kiểm thảo; Đồng chí Tổng tư lệnh nhắc nhở cán bộ trước khi ra trận; Nắm vững chính sách của Trung ương, đi sát dân, đào tạo cán bộ địa phương, tích cực củng cố căn cứ địa Tây Bắc; Thắng lợi của chiến tranh nhân dân, chống chiến tranh phá hoại ở các thành phố và khu công nghiệp của miền Bắc XHCN; Vai trò chiến lược của dân quân tự vệ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta; Bài nói tại hội nghị Quân chính Đoàn 559; Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển; nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.
Phần III - Những bài viết về xây dựng đất nước:
Gồm 16 bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp các vấn đề: Khoa học về biển và kinh tế biển; về vai trò của các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật; Về giáo dục và đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa nhiệm vụ và phương hướng chiến lược của ngành đại học; Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người mới; Mấy suy nghĩ về vấn đề “Việt Nam học”; Đổi mới giáo dục quốc dân; Xây dựng một xã hội học tập, đưa đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Đi tìm cội nguồn của sức mạnh và niềm tin; Có một học thuyết quân sự Việt Nam; Bảo vệ tài nguyên và môi trường cấp bách của toàn dân ta hiện nay; Vì một xã hội công bằng, văn minh, nam nữ thực sự bình đẳng; Mặt trận tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất; Đổi mới có tính giáo dục cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Phần IV- Văn kiện chỉ đạo trong chiến tranh và một số hình ảnh về Tướng Giáp:
Tổng hợp những Văn kiện chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến tranh từ mặt trận Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh bằng những Lệnh động viên, Thư khen, Thư gửi, Nhật lệnh, Điện của Quân ủy Trung ương như: Lệnh động viên gửi toàn bộ cán bộ chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ ngày 6-12-1953; Thư khen các đơn vị chiến thắng trong hai trận Him Lam và đồi Độc Lập ngày 15-3-1954; Thư gửi cán bộ và chiến sĩ trước đợt tiến công vào khu Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 29-3-1954; Nhật lệnh ngày 1-5-1973; Các Điện của Quân ủy Trung ương Gửi Đại tướng Văn Tiến Dũng vào tháng 3 năm1975, Chỉ thị 113/QUTƯ của Quân ủy Trung ương ngày 27-4-1975,…
Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp người lính vì dân, vị tướng của hòa bình”, là cuốn sách rất quí giá, giới thiệu đến bạn những bài viết, bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các thời kỳ và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó bạn đọc phần nào thấy được thiên tài quân sự của Đại tướng cũng như thấy được tấm lòng đau đáu của Ông với sự phát triển của đất nước.
Sách đang có tại Thư viện tỉnh Ninh Thuận, và hiện nay còn có nhiều sách rất quí báu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở các kho phòng Phục vụ bạn đọc.
Trân trọng kính mời bạn đọc!
Phòng PVBĐ – TVT Ninh Thuận
0 nhận xét: